Chia sẻ cách kiếm 1 tỷ 1 năm bằng nghề lập trình

I. Lời tựa

Sau loạt bài về làm việc từ xa.

Trải nghiệm làm việc từ xa (Remote software engineer).

Trải nghiệm làm việc từ xa – đời không như là mơ

Hôm nay tròn 1 năm mình quyết định nghỉ việc để làm việc từ xa. Nhân dịp này mình muốn chia sẻ với mọi người về một chút gọi là bí quyết để có thể có một thu nhập tốt mà thường ít các bạn nghĩ đến. Mỗi người kiếm thêm được tiền thì đất nước lại giàu thêm một chút.

Về mình thì qua những bài viết trước mình cũng nói sơ về quãng đường làm việc từ xa rồi. Nhưng bây giờ là về thu nhập vì thường ít ai chia sẻ về vấn đề này. Năm 2011 từ công việc thực tập với mức lương 500K/1 tháng đến năm 2018 với thu nhập $45K / 1 năm. Trong thời gian đó thì mình cũng học được rất nhiều, từ các vị trí các công ty làm về sản phẩm, outsource, startup, to có, nhỏ cũng có, vài tháng cũng có, vài chục tháng cũng có. Và gói gọn nó lại thành một vài lời khuyên, cho các bạn sinh viên mới ra trường cũng như những người đang đi làm, muốn “take a leap of faith” – Cú nhảy định mệnh.

II. Lúc còn đang đi học – Thu nhập mong muốn 0 đồng.

Thời gian đại học có vẻ là thời gian đẹp nhất. Mọi người phải quý trọng nó, vì nó qua đi mà rất khó trở lại với những trải nghiệm tương tự. Vì sao ư? Bạn có thể nghỉ làm công ty này, đến công ty khác, nhảy từ mức lương này đến mức lương khác. Nhưng cho dù 30 tuổi bạn quyết định đi học lại cũng chẳng có lại được thời gian đó. Vì vậy hãnh dành thời gian cho xứng đáng. Có 3 từ khóa quan trọng học, chơi, làm việc

1. Học

Dĩ nhiên tùy vào mức độ của các bạn, có bạn chẳng biết gì về lập trình, có bạn có khi cấp 3 đã biết hết rồi. Với người chưa biết gì học là quan trọng. Nhưng những người đã biết lập trình, học càng quan trọng không kém, học không chỉ về lập trình, mà học về những cái mình chưa bao giờ, và cũng có cái sẽ không bao giờ dùng đến.

Kiến thức là cái quan trọng, sau này đi làm chắc bạn sẽ không có cơ hội hoặc không có động lực để học cái mình không bao giờ dùng đâu. Và tin tôi đi, cho dù không bao giờ dùng, đi phỏng vấn người ta cũng thích hỏi về nó, mặc dù tới lúc làm cũng chả bao giờ dùng :)).

2. Chơi – YOLO

Tại sao phải chơi, vì đến lúc đi làm chắc bạn chẳng bao giờ có thể thảnh thơi được 1, 2 tháng để đi đâu đó, cày game liên tục vài ngày liên tục hoặc đơn giản là Busy doing nothing ( https://www.youtube.com/watch?v=noB-xNUQ9Gk )

3. Làm việc

Nếu chỉ học và chơi bạn có thể không tích lũy đủ kiến thức của mình đâu, làm việc là một phần quan trọng để học kinh nghiệm sống. Đừng quá quan trọng việc kiếm tiền nếu nó không phải là cái bạn buộc phải làm để tồn tại. Làm một công việc gì đó trong thời gian rảnh rỗi đừng đốt nó hết vào những trò chơi hay đi la cà, cân bằng cuộc sống. Có thêm chút ít tiền để đi du lịch cũng vui nhỉ. Nếu làm đúng cái bạn học thì tốt. Nếu có lương thì tốt. Nhiều lại càng tốt. Nhưng bỏ học và chơi để làm việc kiếm tiền 🙂 liệu có đáng hay không tùy mỗi người.

III. Công việc đầu tiên – Thu nhập mong muốn: Cao hơn lũ bạn

Chắc hẳn sau khi ra trường, việc đầu tiên đi làm các bạn sẽ hỏi lương của nhau, để biết mặc bằng lương ra sao, đi phỏng vấn không bị hớ. Để chứng tỏ mình giỏi hơn đứa kia một chút. Để còn đáng với số tiền bỏ ra đi học. Xin nhắc lại một chút, thời gian học đại học khoảng 4 năm. Nhưng chắc rằng công việc đầu tiên phần lớn của các bạn sẽ kết thúc trước 4 năm. Mình biết vẫn có người gắn bó với công việc đầu tiên nhưng con số đó không nhiều.

Ở nước ngoài sẽ có một khái niệm gọi là Gap year, 1 năm sau đi học để trải nghiệm, nhưng nếu bạn đã đốt cháy giai đoạn bằng cách đi làm + chơi lúc học rồi thì Gap year chẳng để làm gì. Tập trung vào công việc đầu tiên của mình, quan trọng nhất: Là tìm một người hướng dẫn (mentor) giỏi.

Không phải các bạn tìm việc đâu, quan trọng nhất các bạn tìm người đào tạo mình. Phải làm sao không phải người ta phỏng vấn tìm người, mà là bạn phỏng vấn tìm người hướng dẫn. Người hướng dẫn của mình là anh Hếu vnoss. Lâu lắm rồi không gặp, nhưng mình vẫn nhớ những câu chửi của anh ấy về cách làm việc của mình :).

Những thứ đầu tiên các bạn nên học:

1. Biết dùng svn/git … để quản lý code.

2. Biết đọc code người khác viết và hiểu người ta làm gì.

3. Biết bắt chước người ta code để làm. Không chỉ là copy and paste

4. Biết cách kiểm tra code mình viết đúng hay sai. Test bằng tay là tốt rồi, biết viết unit test càng ổn hơn.

5. Có trách nhiệm với code mình viết, mới ra trường đừng cứng đầu tưởng mình giỏi hơn người khác :D.

Những cái mình nêu lên có thể là mục tiêu làm việc cho các bạn, 1 trong 2 năm lúc mới bắt đầu ra trường. Cho dù bạn đã biết trước được những cái đó lúc học, nhưng cũng cần thời gian thực hành để nắm vững những cái này. Nếu mà chưa vững những cái đó cần thời gian học thì trung bình chắc chỉ được lương học việc, cỡ 4,5 triệu thôi. Học xong rồi mấy khoảng đó có thể làm được thì có thể tự tin lên lương 10 triệu được.

Nếu không kiếm được việc, cũng đừng quá lo lắng. Có 1 nghịch lý là phỏng vấn thường ưu tiên có kinh nghiệm, fresher thì ưu tiên kết quả học, nhiều lúc đi phỏng vấn hỏi mấy cái học mà chả nhớ gì cả, hoặc trả lời sai. Không sao, rất nhiều công ty có chương trình fresher (năm phút quảng cáo fresher cho công ty cũ). Trừ khi bạn quá tồi không chịu làm việc, chứ những chương trình fresher này rất dễ vào để bạn học. Lúc đó lương không phải vấn đề quan trọng nhất mà kiếm người dạy mình chưa biết.

Lúc này sẽ có nhiều con đường cho các bạn lựa chọn:

Tester, Dev, System admin, DevOps, manager…

Mobile, Backend, Frontend, Fullstack…

Lựa chọn con đường nào tùy các bạn thích và cái các bạn làm tốt. Cũng như game vậy. Tuy nhiên đừng sợ chọn sai lầm, mới bắt đầu sự nghiệp có sai lầm, chuyển sang ngành khác cũng chẳng sao. Như đồng nghiệp đang làm chung với mình học đại học về Marketing nhưng cuối cùng tự học code Python :).

IV. Nghỉ việc không xấu.

Nghỉ việc không phải là xấu, con người phải thay đổi và phát triển không ngừng, đến lúc nào đó bạn cảm thấy phải nghĩ việc thì suy nghĩ về nó, nhưng đừng quá lo lắng. Sớm hay muộn bạn cũng sẽ bỏ công việc này thôi. Và chia tay cũng như chia tay người yêu đầu tiên vậy ha ha.

Các lý do phần lớn nghỉ việc:

Không làm được gì cả, ai bảo ai chỉ cũng không làm chỉ muốn chơi (dạng này vứt đi nghỉ càng sớm càng tốt tốt cho cả 2).

– Fresher đã học được đủ thứ đủ lông đủ cánh, cần tìm lương cao hơn, công việc thử thách hơn. Vấn đề này hơi nhạy cảm, vì nếu từ 1 đứa không biết gì, có mentor tốt chỉ từng li từng tý bước đi, mà lại ra đi như vậy có thể còn chưa giúp gì được cho công ty thì cũng không tốt. Nên cân bằng lại chút. Dù có thể người ta vắt chanh bỏ vỏ, nhưng mình đi làm sự nghiệp cả chục năm. Phải làm sao gặp lại những đồng nghiệp đầu tiên vẫn cười nói vui vẻ được, hoặc lâu lâu lại được mời đi ăn với team cũ trước đó. Xây dựng được 1 mạng lưới bạn bè tốt vẫn rất hay. Cho dù kỹ năng không phải siêu phàm, nhưng người tốt chơi được thì vẫn được ưu tiên giới thiệu cho các công việc sau này. Chọn thời điểm nghỉ việc làm sao cho tốt cho cả tương lai của mình, mà vẫn không phải quá phũ với công ty và đồng nghiệp.

– Công việc không phù hợp, chịu không nỗi áp lực công ty. Vạn sự khởi đầu nan. Trong thể thao cần phải nâng thành tích, công việc cũng vậy. Mới đi làm có thể thấy ngợp không chịu nỗi. Nên trao đổi với đồng nghiệp, sếp và bạn bè để xem công việc như vậy phù hơp với sức hay chưa, có thể cố thêm được. Giải pháp cuối cùng vẫn là nghỉ việc. Nhưng chuyển qua team khác, vị trí khác cũng không phải là một quyết định tồi.

Thích – vâng vừa học vừa đi làm, vẫn có thể chơi chứ. Nếu bạn nghỉ vì bạn thích vậy ai cũng sẽ tôn trọng quyết định của bạn. Sai lầm chắc chắn có, đừng ngại khi mắc phải nó. Cứ nghỉ thôi. YOLO – sau này trưởng thành hơn sẽ thấy những quyết định của mình đúng sai ra sao, và đó là bài học kinh nghiệm.

V. Công việc tiếp theo – Biết mình là ai, thoải mái deal lương.

Sau khi đã thoát khỏi kiếp gà con / fresher. Đừng ảo tưởng sức mạnh của mình lên Senior ngay nhé. Vẫn còn rất rất nhiều thứ cần nâng cao. Tuy nhiên lúc này bạn có thể thoải mái nhẹ nhỏm mà đi nhận việc lương cao hơn rồi. Công việc đầu tiên đã chứng minh được khả năng/ tiềm năng của bạn. Công việc thứ 2 có thể có mức lương cao hơn nhiều (30%). Vì thường công ty không phải đào tạo bạn nữa, cũng có cái chứng minh năng lực của mình. Mức lương 15->20 triệu đồng tùy thuộc vào trong tay bạn nếu.

1. Bạn vững về những cái mình làm, viết code ra và hiểu được cái mình viết là gì.

2. Có thể làm code bạn chạy trơn tru cố gắng ít lỗi nhất có thể.

3. Không chỉ viết cho chạy, mà hãy từ từ tối ưu code của mình. Có người làm code review và siêng đi code review những người khác. Không phải vạch lá tìm sâu, mà là để tìm cách tối ưu code cho dự án, cho công ty.

4. Có khả năng bơi 1 mình mà không cần người mentor. Nếu không biết có thể tự tìm hiểu, hoặc bí quá thì đi hỏi.

Ở giai đoạn này các công ty rất thích các bạn. Vì không phải đào tạo, làm ra cái sản phẩm dùng được, bán được. Cả bạn lẫn công ty đều kiếm tiền được. Công ty sẽ cố gắng chiều lòng bạn, chăm sóc, mỗi năm đều tăng lương. Tuyên dương bạn là nhân viên giỏi. Nói chung tìm mọi cách để bạn kiếm tiền được cho công ty. Hãy vui vẻ coi như đó là thành quả đầu tiên của mình, và cũng giúp được đời.

VI. Bẫy thu nhập trung bình – Lương 20 -> 30 triệu

Làm 1 thời gian bạn sẽ có kinh nghiệm trong ngành bạn đã chọn. Bạn kiếm được tiền từ công việc cũng không quá tồi, thu nhập cũng là cao trong xã hội. Có thể lập gia đình, nuôi con được từ số tiền này. Nói chung là an nhàn chấp nhận.

Nếu bạn là một người thích an nhàn, và tậng hưởng cuộc sống thì rất hợp cho bạn, Thu nhập này nếu biết tiết kiệm chút, thì vẫn đủ để tận hưởng cuộc sống, tích góp hơn 10 năm với tiền thưởng có thể mua được nhà. Hạnh phúc là khi bạn chấp nhận cái bạn đang có. Tuy nhiên đừng để bị ru ngủ với cãi bẫy thu nhập như vậy. Bạn vẫn là lập trình viên bình thường, nhân viên bình thường, cấp độ chưa phải là Senior đâu.

Nếu lương vẫn ở mức như vậy mà được phong làm senior thì công ty chỉ lừa bạn thôi, không tăng lương mà tăng chức. Nhiều công ty (đặc biệt là outsource, không cần nhiều senior thật sự trong công ty), vì vậy nếu bạn đòi hỏi lương cao, nhiều lúc sẽ bị từ chối nếu còn lựa chọn khác trong công ty, để tối ưu chi phí lợi nhuận, cả công ty khác cũng vậy, họ chỉ trả đủ cho cái họ cần. Chứ không phải trả hơn cho cái họ không cần. Chính cái mức lương đánh giá khả năng, và quyết tâm. Vì vậy nếu cảm thấy khả năng mình tới mà công ty chỉ trả trong khoảng kia, thì thôi lại tiếp tục con đường sự nghiệp, người không cần mình sao mình lại cần người.

Nếu không bị ru ngủ trong bẫy thu nhập trung bình, và có quyết tâm, bạn sẽ đạt lên mức senior rất nhanh trong 4,5 năm thôi.

VII. Làm sao để thành senior với mức lương trên 40 triệu?

Chỉ 2 keywords: Họchọc

1. Đọc sách: 4 năm học đại học, bạn có thể đọc hơn 20 quyển sách, giáo trình (textbook) các loại.  Thế 4 năm đi làm các bạn đọc được bao nhiêu quyển sách chuyên ngành. Mình đoán nhé, 80% sẽ trả lời là 0 đọc cuốn sách nào. Nhờ đọc sách ở trường đại học mặc dù phần lớn chả dùng để đi làm, thu nhập bạn từ 0 có thể lên 10 triệu đồng. Thì đọc sách lúc đi làm cũng có thể nâng được mức lương từ 30 lên 40 triệu đấy. Đừng để bẫy thu nhập làm quên đi rằng bạn luôn phải học, nâng cao kiến thức khi làm việc. Nếu không sẽ bị sấp nhỏ vượt mặt hết. Đọc sách cũng là giúp mình học những gì mình nghĩ chẳng bao giờ dùng. Nhưng biết đâu đó là cái mình sẽ dùng thì sao?

2. Đọc framework: Ngoài đọc sách còn cách nào để học (real fact, thật ra mình đọc chỉ tầm 2 cuốn sách về chuyên nghành trong lúc đi làm thôi, :D). Cố gắng đọc cho hết 1 framework, xem những thành phần nó ra sao. Đọc tutorial về nó, hiểu rõ những cái mình làm. Ví dụ lúc trước mình làm PHP đọc rất nhiều về Yii Framework, để hiểu nó mà viết 1 cái framework khác dựa vào những gì mình cần. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Một vài từ khóa hot trend khi lóe trong đầu cũng phải đọc cho biết, mặc dù không cần code. Nói chung chỉ cần hiểu sâu, về 1,2 framework hay công nghệ mà bạn dùng. Đủ sức à thôi thì mình viết được 1 cái đơn giản hơn vậy đủ nhu cầu, thì coi như bạn đã đạt đến mức siêu nhân (senior). Khi gặp bất kì khó khăn nào, thay vì google về nó, thì hãy tìm cách tự giải quyết được nó 1 mình trước đã. Làm được thì nhớ viết hướng dẫn cho người khác biết nhé.

3. Bẩm sinh: Phải công nhận có nhiều người giỏi bẩm sinh, người ta bảo cần cù bù thông minh.  Nói cho vui vậy chứ mấy đứa thông minh chả cần làm gì cả vẫn giỏi rồi. Chẳng hiểu được. Mình cũng không thông minh như vậy nên cũng chả biết bí quyết làm sao. Chắc phải tìm hiểu các bạn siêu nhân bẩm sinh bí quyết từ đâu.

VIII. Bước nhảy định mệnh – 100 triệu 1 tháng

Mình cũng chỉ ở mức senior thôi, chưa lên được mức cao hơn nên cũng chả biết cách làm sao lên được. Không lên được trình độ thì mình tìm cách lên lương vậy.

Để mục tiêu kiếm tiền rồi thì đơn giản phải biết chút về kinh doanh, quy luật cung cầu thị trường. Mặc dù nhan nhản các thông tin thiếu người làm việc, hoặc là công ty tìm đỏ mắt không ra người. Thật ra chỉ là such a scam. Công ty tìm không ra người với yêu cầu của họ với mức lương họ đưa ra thôi. Chứ thử trả ngang lương bên Mỹ xem :)). Thị trường Việt Nam lúc xưa được cái là các công ty về tìm người vì giá rẻ, chất lượng tạm được (xem lại phần bẫy thu nhập trung bình). Ngay cả những người siêu nhân cũng thích ở Việt Nam hơn, do thu nhập cao cũng dễ sống. Nhưng nghĩ kiếm được lương $5.000 ở Việt Nam hả. Chắc mình không làm được đâu (phỏng vấn dạo này toàn rớt, do trình độ không đủ). Phải tự đưa mình ra thị trường toàn cầu (anh Thái đã chia sẻ https://vnhacker.blogspot.com/2016/04/luong-6-chu-so.html )

Nói xét ra thì senior thật thụ ở VN cũng không thua kém gì senior trên các nước trên thế giới. Nếu ở mức đó rồi ra nước ngoài làm cũng ổn. Tuy nhiên lại gặp 1 cái bẫy thu nhập trung bình ở quốc gia khác. Nếu bạn đam mê thích khám phá thì ra nước ngoài làm việc không phải ý định tồi.

Còn mình lựa chọn con đường bán trực tiếp sức lao động cho nước ngoài… Vì mình quan niệm mình cũng như người làm công nhân được nhận lương thôi. Người ta trả tiền mua sức mình. Được giá cao thì mình bán.

Công thức cho thu nhập 100 triệu bằng việc làm từ xa (thật ra lúc xưa mình chỉ nghe đâu đó lương $2000, $3000 là đã cao lắm rồi).

1. Biết khả năng của mình – ngoài trình độ chuyên môn, trong lúc đi làm cố gắng thêm các kỹ năng giao tiếp, làm việc với khách hàng, bán hàng, thuyết phục người khác… Những kỹ năng này cần được xây dựng xuyên suốt từ lúc đi làm.

2. Nhảy đúng lúc, khi biết khả năng của mình, thì khi có cơ hội phải nhảy đúng lúc để lựa chọn. Cơ hội hiếm khi quay lại lần 2. Nhưng chưa biết được cơ hội sau có tốt hơn không (lại một cái bẫy khác, Fear of missing out). Nếu đã có kinh nghiệm bạn sẽ biết lúc nào nên nhảy, chưa có kinh nghiệm thì nên nhảy thử có hụt chân cũng khó chết (cùng lắm đi làm lại :D).

3. May mắn. Nói may mắn cho vui. Chứ bạn làm nhiều điều tốt thì sẽ lúc nào tâm trạng cũng tự tin và nghĩ điều tốt đến với mình. Đó là sự lạc quan yêu đời.

4. Bạn không cần phải quá giỏi, thực tế theo quan sát của mình trên thị trường làm việc remote (không tính freelance nhận từng dự án). Thì nếu chỉ ở mức trung bình, không cần mức senior, bạn có thể tìm được thu nhập $2.000/tháng một cách chủ động, an toàn và lâu dài rồi. (Tương đương lương $1000/tháng nếu làm tại công ty). Dĩ nhiên bạn sẽ mất nhiều quyền lợi. Như bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe, đồng nghiệp … đủ thứ. Nhưng quyết định đánh đổi.

Lên mức senior 1 tý (theo mình tự đánh giá), và có profile tốt (với profile upwork xây dựng hơn 5 năm của mình thì invitation nhiều đến nỗi không từ chối kịp). Thì thu nhập có thể ở khoảng $4.000-> $5.000. Chịu khó cày lên hơn được, kể cả làm full-time remote, hay chỉ nhận dự án lẻ trên các trang. (rate khoảng $30 / giờ).

Quan trọng nhất là phải làm sao cho khách hàng của bạn cảm giác nhận được xứng đáng cái bỏ ra. Thì sẽ có khách đều đều. Dĩ nhiên kiểu này sẽ phải giỏi hơn 1 tý về kinh doanh, marketing, tự dựng tên tuổi trên Upwork. Nếu kiếm được công việc full-time thì quá tốt. Việc sẽ nhàn hơn, bạn sẽ như nhân viên công ty, được đối xử bình đẳng, lương thưởng chính sách cũng rõ ràng. Tự cảm giác an toàn khi bán sức lao động của mình.

Kết bao nhiêu là đủ

Và dĩ nhiên như mình hay nhắc lại, lúc nào cũng sẽ có 1 bẫy thu nhập – $2.000->$5.000 so với thu nhập ở Việt Nam là một cái bẫy khá lớn. Hiện tại mình cũng đang mắc phải. Là không dám Take another leap of faith… Làm những điều to hơn, lớn hơn mà mình có thể làm được. Dám chấp nhận giảm thu nhập để làm điều có ý nghĩa hơn … Nhưng mục tiêu tiếp theo chắc phải là dưới 35 tuổi và kiếm được 1 triệu đô đầu tiên :D.

Chắc đến chừng, 1, 2 năm nữa lúc chán việc này. Chán kiếm tiền, mình sẽ tập trung vào bước tiếp theo của sự nghiệp. Bây giờ thì cứ tận hưởng YOLO đi cái đã. Nếu các bạn muốn hỏi thêm chia sẻ về kinh nghiệm lập trình, freelance cũng như remote mình sẵn sàng chia sẻ chứ hoàn toàn không dấu nghề.

K Trúc

20 bình luận về “Chia sẻ cách kiếm 1 tỷ 1 năm bằng nghề lập trình

  1. Thank em đã chia sẻ. Cho anh hỏi khi làm remote như vậy, em nhận lương như thế nào, và khai báo đóng thuế ra sao? Mức lương 45k là gross hay là net?

    1. Chào anh, lương em dùng Upwork chuyển thẳng về tài khoản USD ở Việt Nam. Phí $30/1 lần rút. Cái đó là thu nhập Gross. Tuy nhiên em đăng kí hộ kinh doanh cá thể, bên thuế thông báo thuế suất 7% gồm 2% thuế thu nhập + 5% giá trị gia tăng. Trong khi đó em không chấp nhận đóng 5% GTGT vì phần mềm không chịu thuế GTGT. Bên thuế họp xong cung cấp cho em tờ giấy miễn thuế năm đầu tiên. Để năm sau hỏi cấp trên rồi tính tiếp :D.

      1. Thuế 5% GTGT chỉ áp dụng với các sản phẩm mua bán trong nước á bạn. Tiền từ Upwork tất cả các ngành là thu nhập từ nước ngoài nên khoản đó là 0% chắc chắn luôn. Trong luật ghi chú mục đó nhỏ dưới phần 5%.

  2. chào bạn , bài viết của bạn rất hay , và hữu ich , thank tấm lòng chua sẽ của bạn rất nhiều , bạn có thể cho mình xin fb hay 1 socical nào bạn hay dùng để mình có thể trao đổi học hỏi thêm chúc kinh nghiệm ở trên . Thank bạn 😀

  3. Thanks vì bài chia sẻ của bạn. Mình cũng đang làm về lập trình. Mình làm fulltime cho 1 công ty outsource và muốn làm thêm vào buổi tối và cuối tuần để cải thiện thu nhập và kinh nghiệm. Mình chưa có kinh nghiệm về làm freelance, có thể chia sẻ cho mình kinh nghiệm để bắt đầu với Upwork được không. Cảm ơn bạn rất nhiều!

    1. Mình cũng tiếng Anh giao tiếp bình thường thôi, nhưng do có kinh nghiệm 2 năm làm Outsource gặp khách hàng nước ngoài nhiều nên không ngại vấn đề giao tiếp họp hành tiếng Anh, mặc dù hiện tại nói sai cũng nhiều nhưng trong giao tiếp không sợ bị hiểu lầm và người ta cũng hiểu mình nên làm được hết. Chú ý sau khi họp nhớ phải viết 1 cái note gửi lại ý chính để có hiểu nhầm cũng có thể đồng ý với nhau trên cái đó là được.

    1. Tài khoản mình tạo lâu lắm rồi, lúc đó mọi bước duyệt dễ dàng. Hiện tại thì nếu hồ sơ các bạn cv quá chung chung họ sẽ loại ra hết. Vì vậy đầu tư vào 1 cái hồ sơ tốt thể hiện đượ selling point của mình mà họ cần. Thì mình sẽ được ưu tiên.
      Còn 1 cách nữa là tạo 1 agency rồi mời thành viên vào, thành viên ấy sẽ chỉ thể làm được project từ agency đó thôi. Lúc trước mình mời thành công vài bạn, nhưng giờ không có thời gian để làm quản lý nữa nên thôi

  4. Nghe những chia sẻ của bạn thật là hữu ích. Hiện tại mình đang không làm về lập trình, mình làm về kinh tế. Mình cũng muốn sau này có thu nhập cao nên đang định chuyển nghề sang đi học lập trình. Bạn có thể cho mình lời khuyên là nên học lập trình về mảng nào để có thể làm remote từ xa như bạn được không ? Có phải bạn đang làm về lập trình web không ?. Mình năm nay đã 31 rồi, bước chân vào ngành này đúng là hơi muộn :(( Rất mong nhận được hồi âm của bạn.

  5. 30 tuổi bắt đầu lại với lập trình thì muộn rồi. Vậy anh có hướng đi nào trong lập trình phù hợp hơn, đang cần thiết nhân lực mà vẫn có thể kiếm được thu nhập với tuổi 30 theo nghề này ko anh?
    Cảm ơn anh nhiều

Gửi phản hồi cho afterlastangel Hủy trả lời